Sở hữu nhãn hiệu và bảo vệ nhãn hiệu

Trong hoạt động doanh nghiệp luôn phải đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm và hy vọng sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu doanh nghiệp khác được quyền sao chép sản phẩm đó thì họ có khả năng cạnh tranh cao hơn vì không phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc. 

Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng đối với thành quả đầu tư sáng tạo sẽ dành cho doanh nghiệp độc quyền khai thác nhãn hiệu trên sản phẩm mới trong một  thời gian để thu hồi vốn và có lãi để tái đầu tư.

Khi nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu được độc quyền sử dụng nhằm mục đích thương mại (gắn nhãn hiệu lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, dịch vụ, đưa vào lưu thông, xuất nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu hàng hóa đó) trong thời hạn bảo hộ (10 năm, có thể gia hạn liên tiếp không giới hạn số lần), bất kỳ người nào sử dụng nhãn hiệu đó mà không được phép của chủ sở hữu sẽ bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu và sẽ bị xử lý theo quy định.

Để tự bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu, doanh nghiệp chủ động theo dõi thị trường, nếu có hành vi xâm phạm, có thể thực hiện các biện pháp sau đây: Yêu cầu tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ (khi cần thiết) xác định nội dung xâm phạm làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình; trực tiếp yêu cầu bên vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương nơi đóng trụ sở của bên vi phạm (Tòa án, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý Thị trường, Công an, Hải quan, UBND các cấp…) áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo qui định; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài nơi bên vi phạm đóng trụ sở để bảo vệ quyền và lợi ích  hợp pháp của mình; trong tình huống khẩn cấp, doanh nghiệp có thể yêu cầu tòa án hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật khác  áp dụng các biện pháp khẩn cấp như kê biên, niêm phong, tạm giữ hàng hóa …trước khi tiến hành khiếu nại, tố tụng.

Để phát triển bền vững doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình (dù qui mô ban đầu chưa lớn lắm) ngay sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh , trong quá trình  sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần thu thập, cập nhật các thông tin sở hữu công nghiệp, tối thiểu phải có các quy định pháp luật, thông tin về các quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập cho người khác trong lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ tránh việc đầu tư trùng lắp không cần thiết, đồng thời tự bảo vệ và tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác. Đây là việc cần thiết trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay./.     

BENMAR là nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *